Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

[RƠI LỆ] Hậu thảm họa cháy chung cư Carina Palza: Người mẹ và 24.000 suất cơm miễn phí

Cuối cùng, anh Lê Trọng Nhân (chồng chị Trần Bùi Cẩm Hà) đã tỉnh, đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Mấy bữa nay, đều đặn, anh Nhân viết vào một tờ giấy, rồi hỏi mẹ: 'Vợ con của con thế nào rồi'. Nhưng cả gia đình đều giấu chuyện vợ con và em trai của vợ anh Nhân đã mất trong vụ cháy chung cư Carina Plaza. Bởi ai cũng lo sợ, nếu anh biết sẽ gục ngã. Nhưng linh tính mách cho Nhân chuyện chẳng lành. Anh xua tay, ôm mặt, đòi 'nghỉ chơi' với bố mẹ, bực tức: 'Đến tin tức về vợ con, con cũng không được biết sao'. Ở một diễn biến khác, bà Phan Trúc Ly (mẹ của Nhân) quyết định nấu cơm từ thiện phát cho mọi người, quên đi nỗi buồn mất mát quá lớn.
Cô Phan Trúc Ly nấu cơm miễn phí cho các cư dân Carina.
Thấu hiểu
6h sáng, Sài Gòn mùa nắng tháng tư, nực và bức. Những vạt nắng sớm, hất qua hàng cây kèn hồng, chạy dọc đường, vàng vọt, bóng láng. Trong con hẻm gần nhà sách Nguyễn Văn Cừ, huyện Bình Chánh (TP.HCM), bà Phan Trúc Ly đạp chiếc xe máy cà tàng, phành phạch, rồi phóng nhanh đến chợ đầu mối lấy hàng. Đậu xanh, đậu hũ, cà rốt, bắp cải... bà chất lên hết, tay thoăn thoắt như bốc vác nhà nghề. Chiếc xe vút về nơi mà con dâu, cháu nội bà bị “bà hỏa” cướp đi, mong manh. Và đây cũng là nơi bà mở quán cơm chay Huệ Trường, phát miễn phí cho các cư dân Carina Plaza đang sống tạm bợ bên chung cư 577.
“Mai, đong cho tao 16 lon gạo, nhanh”, bà Ly gấp gáp, giọng vang lên, sang sảng. Bà Mai mắt láo liên, nhìn quanh tìm bao gạo, làm theo “hiệu lệnh” của người bạn thuở hàn vi.
“Xong rồi đây, đong lượng nước, rồi nấu đi. Sáng nay, có khi phải nấu 6 nồi cơm mới đủ ấy chứ. Bên chung cư họ đặt 200 suất”, bà Mai đáp lại, hai tay quệt vào vạt áo, như phủi bụi.
“Tao biết rồi, lát gọi thêm ngoại qua phụ giúp nữa. Anh Ngà (chồng bà Ly – PV) đang ở viện coi thằng Nhân. Thằng bé đỡ nhiều rồi, lúc nào cũng hỏi tin về vợ con. Chỉ một chữ mất thôi, mà sao khó quá, phải ráng tìm nhiều chuyện để nói. Sợ thằng nhỏ sốc. Tao không biết sau này thằng Nhân sẽ đối diện sự thật này thế nào nữa. Chỉ biết nuôi hy vọng, sau khi con nghe được chuyện vợ mình cố gắng cứu bé Kiệt, sẽ thấu hiểu!", bà Phan Trúc Ly giãi bày, xúc động.
Nói đến đây, người phụ nữ dáng vẻ hiền lành, phúc hậu cố lảng đi để không phải kể về những chuyện đã qua. Ấy thế mà, nước mắt bà lại rơi, rồi nói trong vô thức: “Quán này, con Hà bảo mở ấy chứ. Nó làm công ty sát vách đó luôn. Ở bên này nghe thấy tiếng nó bên kia, giọng cứ lanh lảnh ra. Trưa nó qua ăn cơm, kể ối chuyện”.
“Tao thương cái Hà như con gái ruột. Khi nó với thằng Nhân to tiếng, tao không bao giờ bênh con trai cả. Tao thường dặn, mười phần thì thương chồng con tám, hai phần còn lại thương lấy bản thân mình. Con bé thắc mắc: “Ủa sao kỳ vậy mẹ”, tao bảo rằng “Mình là phụ nữ, phải dành dụm tình thương cho mình, lỡ sau này “cơm không lành, canh không ngọt” con sẽ không hụt hẫng, tiếc nuối”.
Tháng 7 tới, con Hà và cu Kiệt sẽ đi du lịch ở Canada, thằng Nhân nói ở nhà vì còn công việc, với lại chi phí “xuất ngoại” cũng rất tốn kém. Nên đây là thời điểm con tập cho quen, mai mốt, vợ con nó đi cho đỡ nhớ.
“À, hôm mùng 7.4 vừa rồi là sinh nhật cu Boss (bé Lê Nhân Kiệt - 6 tuổi, nạn nhân vụ cháy - PV) đấy. Tao chả tổ chức gì mày ạ, mua mỗi cái bánh gato, làm vài món cu cậu thích, thắp hương. Hôm thằng Nhân mới tỉnh, trong tấm bìa cứng được bệnh viện chuẩn bị sẵn, nó xin về nhà tổ chức sinh nhật cho Boss. Tao bảo là: “Con còn yếu lắm, chưa về được, bố mẹ ở nhà sẽ tổ chức chu đáo. Mày thấy tao “diễn” giỏi không? Tao đang diễn với con trai mình đấy”, nói đến đây, bà Ly nức nở, hai hàng nước mắt lăn xuống gò má, trắng nhợt.
Những tiếng nấc vẫn nghẹn ngào, đứt quãng: “Thằng bé kháu khỉnh lắm mày ơi. Hôm nó đi làm hộ chiếu với mẹ nó, anh công an còn cho kẹo, véo má, bảo nó “sao mà cưng thế”.
“Bây giờ muốn nghe cái giọng ngọng líu, muốn nhìn thằng bé ăn, ngủ, lăng xăng chơi, giỡn với ba mẹ, ông bà nội, nụ cười giòn tan không được nữa rồi. Còn gì đau hơn nữa đâu”, giọng bà run run.
Khựng lại lúc lâu, giọng bà Ly chùng xuống: Mấy hôm nay, thằng Nhân đỡ nhiều. Nó được bác sĩ chuyển sang phòng điều trị tích cực. Mà nó nghi ngờ rồi mày ạ. Nó bảo tao: “Đến tin tức về vợ con của con cũng không được biết sao”.
Tao đứt ruột khi nghe lời con hỏi. Tao biết trả lời sao đây? Làm sao nói ra sự thật được. Bây giờ thần kinh nó yếu lắm, nó mà khụy xuống, tao cũng chả thiết sống. Mà buồn nữa, trước đây, mỗi lần gặp mẹ, thằng Nhân đều sấn tới, hôn má. Bây giờ, đến thăm con ở bệnh viện, nó xua tay, ôm mặt, đòi “nghỉ chơi” với bố mẹ. Nhiều lúc, tao ghìm không nổi”.
Cư dân Carina đến nhận cơm chay của bà Phan Trúc Ly - C.N
"Ai đến ăn cơm, tôi mừng như trúng số"
Đang câu chuyện giữa bà Phan Trúc Ly và người bạn của mình ở tiệm cơm chay Huệ Trường, tôi cắt ngang, vì thấy bà xúc động quá!
Tôi hỏi: Sao cô lấy tên quán là Huệ Trường? Bà Ly đáp “đó là pháp danh của em trai tôi. Nó mất vì tai nạn giao thông mấy năm trước”, rồi cho hay, đã mở quán cơm chay này được 6 năm. Gần 2 năm nay, bà bán ở đường Võ Văn Kiệt, quận 8, gần chỗ làm của con dâu.
“Quán này do một tay Hà gây dựng nên. Tuy đơn giản, chỉ là nhà mái tôn lợp lại, nhưng rất nhiều người ghé ăn, kỷ niệm của 2 mẹ con cũng không ít”, bà Ly nói.
Cũng theo người phụ nữ này, vụ cháy chung cư đã lấy đi của gia đình nhiều người thân yêu. Làm sao phẳng lại đây, làm sao tươi nguyên được, khi đau thương vẫn hiện hữu. Chỉ là bây giờ nỗi đau không còn quằn quại, và phải gạt nước mắt, tiếp tục sống, chiến đấu.
Thế cho nên, mấy ngày qua, bà Ly đã bàn bạc với chồng - ông Lê Văn Ngà, phải làm một cái gì đó cho thanh thản đầu óc, quên đi nỗi buồn vụ cháy. Bà quyết định mở lại quán cơm chay, phát miễn phí cho mọi người, nhất là những cư dân Carina đang sống tạm bợ bên chung cư đối diện.
“Tôi hi vọng những bữa cơm này sẽ giúp đỡ mọi người phần nào để quên đi những nỗi đau, mất mát của vụ cháy, đồng thời hồi hướng những vong linh được yên nghỉ. Tôi muốn những ánh mắt hướng về tòa nhà màu xanh, cao ngút kia chẳng phải là nỗi đau, ám ảnh, dằn vặt, mà là điều gì đó tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn, dù mỏng mảnh”, bà Ly nói.
Theo bà Ly, số tiền nấu cơm chay lấy từ tiền phúng viếng trong lễ tang của Hà và cháu Kiệt. Mỗi ngày, bà nấu khoảng 500 suất ăn miễn phí cho cư dân Carina. Bà dự định trong 49 ngày nấu 24.000 suất cơm. Ai đến lấy cơm ăn, bà mừng như trúng số, thậm chí, bà còn năn nỉ “mọi người đến ăn giùm”.
Nói đến đây, bà Ly lại khựng lại, xúc động. Người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần nhẩm lại lời bài hát vang lên trong buổi lễ cầu nguyện hôm nào ở chung cư. Ánh sáng của hàng trăm ngọn nến, những bông cúc vàng, hồng trắng cho những người đã nằm xuống, ấm áp.
"Cuộc sống này bao nhiêu lần đưa tiễn ngậm ngùi
Nhưng luôn tin rằng ngày mai
Chẳng có chia lìa, chẳng có hợp tan
Dù sống hay chết tin còn ngày mai.
Sự sống không mất mà chỉ đổi thay...".
Nguồn: baomoi.com
Previous Post
Next Post

0 nhận xét: