Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Những đứa trẻ cô đơn, lạc lõng giữa... gia đình

 

Lan hay quấn quýt bên tôi nghe kể chuyện này chuyện nọ, chuyện xưa chuyện nay. Dần dà khi đã đủ độ thân thích, nó hay tâm sự với tôi rất nhiều chuyện về gia đình. Cháu có nhu cầu chia sẻ, nhưng không tìm được người thân để trò chuyện...

Cát Cát, cháu nội tôi đang học lớp 8. Trường học ở gần nhà nên mỗi bữa cháu tự đi về mà không phải đưa đón. Một hôm, Cát Cát xin tôi cho Ngọc Lan, bạn chung lớp với nó, về nhà chơi. Tất nhiên là tôi đồng ý. Trưa hôm ấy, tôi bày biện rồi hướng dẫn cho các cháu cùng phụ tôi nấu bữa cơm trưa cho ba bà cháu. Ngọc Lan tỏ ra rất thích thú. Từ đó, mỗi trưa Ngọc Lan hay theo Cát Cát về nhà tôi chơi, chờ buổi học chiều, chứ không lang thang trong sân trường nữa.

Trẻ rơi vào trạng thái cô đơn, nạn nhân của thực trạng xã hội chịu tác động bởi xu thế chung. Ảnh minh họa

Lan hay quấn quýt bên tôi nghe kể chuyện này chuyện nọ, chuyện xưa chuyện nay. Dần dà khi đã đủ độ thân thích, nó hay tâm sự với tôi rất nhiều chuyện về gia đình. Lan là con một, ba mẹ Lan từ quê lên Sài Gòn học tập, làm việc, cưới nhau rồi định cư luôn ở đây. Ba Lan là phóng viên, đi tỉnh này tỉnh kia suốt, có khi năm bảy bữa mới về. Mẹ Lan là nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân, mỗi tuần chỉ nghỉ được ngày chủ nhật.

Mỗi ngày Lan chỉ được gặp ba mẹ vào buổi tối nhưng có khi ba mải trả lời điện thoại, mẹ thì lui cui dọn dẹp dưới bếp. Đến khi ba mẹ xong việc, Lan học bài xong cũng là lúc ba mẹ hối thúc Lan đi ngủ để sáng dậy sớm đi học. “Nhiều khi con định nói chuyện gì với ba mẹ, con cũng không có dịp nên quên luôn. Không ai kể cho con nghe nhiều chuyện hay như bà, cũng không ai ở không ngồi nghe con tâm sự như bà. Cát Cát sướng thật!”. Con bé nói với tôi như thế.

Mới đây nó buồn hiu nói với tôi: “Bà cho Cát Cát tối nay đi uống trà sữa với con nhen bà. Hôm nay là sinh nhật con. Mẹ con nói ba mẹ không rảnh nên cho con tiền dẫn các bạn đi uống trà sữa”.

Trong rất nhiều câu chuyện cháu kể cho tôi nghe, tôi nhận thấy nổi lên rất rõ ở cô bé 13 tuổi này là sự cô đơn. Ngọc Lan không phải là hoàn cảnh cá biệt. Đó là “nạn nhân” của thực trạng xã hội chịu tác động bởi xu thế chung.\

Từ lâu gia đình Việt Nam nhất là các gia đình thành thị đã thoát ra nếp sống đại gia đình. Nơi mà đứa trẻ được sinh ra, lớn lên chung sống với rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ, được giáo dục ngay tại gia đình trong 5 năm đầu đời trước khi bước vào môi trường học đường. Ở trường, được học tập vui chơi cùng chúng bạn, về nhà lại có ông bà cô bác, anh chị em họ hàng cùng trang lứa. Một cuộc sống dựa trên nền móng gia đình vững chắc như thế khó có cơ hội để trẻ rơi vào trạng thái cô đơn.

Trái lại, ngày nay bối cảnh xã hội hiện đại và công nghiệp phát triển cùng với sự hội nhập thế giới đã làm biến đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình và các mối quan hệ giữa các thành viên. Gia đình hạt nhân (hay còn gọi là gia đình nhỏ, chỉ gồm có bố mẹ và các con) đang là dạng gia đình phổ biến. Kèm theo những lợi thế không thể chối bỏ thì dạng gia đình này cũng nảy sinh ra một số vấn đề. Trong đó có các vấn đề liên quan đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con cái.

Nổi rõ hơn hết là vấn đề thời gian. Cả bố và mẹ đều đi làm, công việc công sở chiếm hết thời gian trong ngày, khi về nhà lại còn phải giải quyết bao nhiêu công việc gia đình cùng các mối quan hệ xung quanh, không kể có người còn mang cả việc cơ quan về nhà… cho nên thời gian còn lại dành cho con cái là rất ít dẫn đến mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con trẻ suy giảm, thậm chí có không ít gia đình còn “ỷ y” vào thầy cô giáo và nhà trường.

Vấn đề tiếp theo, không ít cha mẹ chỉ quan tâm học tập, nâng cao chuyên môn để phục vụ công việc, phát triển sự nghiệp nhưng không để ý bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giáo dục, tìm hiểu sự phát triển tâm sinh lý để giúp con hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn, góp phần vào sự thành công của trẻ trong tương lai.

Tóm lại, môi trường giáo dục từ gia đình mới quyết định cho sự hình thành tính cách và sự phát triển của một đứa trẻ. Nhà trường chủ yếu là nơi cung cấp kiến thức, nơi có thể biến các con trở thành một nhân tài. Còn gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Hoàn toàn có thể có một người tử tế ít học và cũng hoàn toàn có thể có một người kiến thức đầy đầu nhưng sống không ra gì.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Ảnh: IT

Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta phải xem trọng sự giáo dục từ gia đình. Để gia đình thật sự là “tổ ấm”, lan truyền yêu thương thì trước hết phải xây dựng gia đình hạnh phúc. Hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ phải gương mẫu. Văn hóa gia đình chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ những giá trị chân, thiện, mỹ góp phần tạo nên những thế hệ con người tử tế.

Previous Post
Next Post

0 nhận xét: